SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT PHÁT TRIỂN DỰ ÁN VIỆT PHỤC CÁCH TÂN “ĐẮP VIỆT”: KHI NGƯỜI TRẺ LAN TỎA BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG BẰNG TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

Với mong muốn gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống thông qua thời trang ứng dụng, nhóm sinh viên Đại học FPT đã cùng nhau xây dựng dự án “Đắp Việt” – một startup Việt Phục hiện đại dành cho người trẻ, mang đậm tinh thần sáng tạo, bản sắc và có tính ứng dụng cao.

Từ đam mê truyền thống đến hành trình khởi nghiệp

Dự án Đắp Việt được xây dựng bởi bảy sinh viên đến từ các chuyên ngành khác nhau: Kinh doanh quốc tế, Công nghệ thông tin và Thiết kế mỹ thuật số, với chung một khát vọng: đưa Việt Phục trở lại đời sống hiện đại, trở thành lựa chọn thời trang gần gũi và tinh tế của giới trẻ Việt.

Các thành viên của dự án gồm:

  • Phạm Thị Hồng Hạnh – Trưởng nhóm, phụ trách chỉ đạo tổng thể, lên kế hoạch kinh doanh, thiết kế mẫu, chọn vải và làm việc với thợ may. Đồng thời, Hạnh quản lý mảng bán hàng, tư vấn khách hàng, sáng tạo nội dung TikTok và xây dựng mối quan hệ khách hàng.
  • Trần Minh Quân – Bộ phận Kinh doanh – Marketing: Phối hợp lên kế hoạch kinh doanh, chọn vải, tư vấn bán hàng và quản lý nội dung Fanpage. Quân đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cộng đồng khách hàng qua nền tảng Facebook.
  • Bùi Việt Hùng, Đỗ Thế Hiếu, Nguyễn Hoàng Đạt, Nguyễn Anh Hào – Bộ phận IT: Chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển website bán hàng, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, bảo trì hệ thống và triển khai các công nghệ giúp nâng cao hiệu suất và tính năng nền tảng.
  • Trần Nguyễn Bảo Châu – Bộ phận Thiết kế: Phụ trách nghiên cứu sản phẩm, thiết kế logo, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tạo hình ảnh truyền thông và là người mẫu đại diện cho sản phẩm Việt Phục của nhóm.

Đắp Việt – Việt Phục ứng dụng cho người trẻ hiện đại

Sản phẩm đầu tay của dự án là bộ Việt Phục “Thiều Hoa”, được thiết kế với ba màu chủ đạo: hồng, xanh và đỏ. Bộ trang phục giữ nguyên tinh thần truyền thống của Việt Phục nhưng được tinh chỉnh để phù hợp với vóc dáng, thị hiếu và tính ứng dụng trong đời sống thường ngày – từ chụp ảnh, dự lễ, đến đi chơi, du lịch hay tham dự các sự kiện văn hóa.

“Sao Hán Phục đẹp và đa dạng, mức độ phủ sóng đến toàn thế giới, nhắc Hanfu là người ta tưởng tượng ra cả nghìn mẫu mã xinh đẹp. Mà nhắc Việt Phục thì 10 người chỉ có 1-2 người thực sự hiểu, còn lại người ta chỉ nghĩ tới áo dài, vậy là hết? Thậm chí khi nhìn thấy Việt Phục, người ta lại nghĩ đó là Hán Phục?”

Vậy là mình cũng muốn làm cái gì đấy, đưa Việt Phục tới gần người Việt, tới gần giới trẻ Việt hơn. Mình cũng muốn khi nhắc tới Việt Phục, người ta sẽ thực sự hình dung được đó là cái gì, đó là trang phục Việt chứ không phải đồ Trung Quốc. Để mà “Văn hóa còn thì dân tộc còn” và văn hóa in đậm trong hồn người Việt – đại diện nhóm chia sẻ.

Tính ứng dụng vào thực tế cao

Trên thị trường hiện nay, Việt Phục thường được thiết kế nặng về trình diễn và lễ phục, thiếu tính ứng dụng. Đắp Việt xuất hiện để lấp đầy khoảng trống này bằng những thiết kế đơn giản, dễ mặc, giá thành hợp lý, hướng đến đối tượng khách hàng từ 15 đến 35 tuổi – nhóm yêu thích văn hóa truyền thống, sáng tạo và mong muốn thể hiện bản sắc riêng qua thời trang.

Được đồng hành và định hướng từ nhà trường & mentor

Trên hành trình khởi nghiệp, nhóm Đắp Việt đã nhận được sự đồng hành sát sao từ nhà trường cũng như các mentor có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp và marketing thực chiến.

Thầy Đồng Quin – một trong những giảng viên đồng hành lâu dài cùng các hoạt động khởi nghiệp tại Đại học FPT, đã liên tục hỗ trợ nhóm qua từng giai đoạn phát triển dự án. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn, thầy đưa ra những nhận xét chuyên môn, đánh giá định hướng, đồng thời tạo nguồn động lực và tinh thần vượt khó cho nhóm khi gặp thử thách. Bên cạnh đó, cô Tô Thùy Dương, một mentor giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và hành vi người tiêu dùng, đã mang đến cho nhóm nhiều góc nhìn mới mẻ, thực tiễn và nhạy bén về thị trường. Những lời khuyên từ cô đã giúp nhóm có quyết định đúng đắn trong việc định giá sản phẩm, lựa chọn thời điểm tung sản phẩm cũng như chọn kênh truyền thông hiệu quả. Cô cũng hỗ trợ nhóm xác định rõ hơn chân dung khách hàng mục tiêu – một yếu tố then chốt trong các chiến lược truyền thông và bán hàng.

Sự đồng hành của thầy cô không chỉ giúp nhóm phát triển sản phẩm tốt hơn mà còn hình thành tư duy kinh doanh bài bản, mở rộng tầm nhìn và nâng cao năng lực khởi nghiệp một cách thực tế.

Kết quả bước đầu ấn tượng – Khẳng định tiềm năng của Đắp Việt

Ngay sau khi ra mắt sản phẩm đầu tiên, dự án đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng. Các video marketing được đăng tải trên nền tảng TikTok của nhóm đã thu hút nhiều sự chú ý và quan tâm, trong đó có video viral đạt hơn 1 triệu lượt xem – minh chứng cho sức hút của sản phẩm đối với giới trẻ.

TikTok: @elysian.raiment

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã bán được gần 100 bộ Việt Phục Thiều Hoa, với doanh thu đạt gần 80 triệu đồng. Đây là con số ấn tượng đối với một dự án khởi nghiệp sinh viên còn non trẻ, và là động lực để nhóm tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới trong tương lai.

Định hướng tương lai: Từ sản phẩm đến thương hiệu

Nhóm dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm, đưa thêm các mẫu Việt Phục mới dành cho cả nam và nữ, tích hợp tính năng đặt may theo số đo trên website, phát triển dòng sản phẩm kết hợp phụ kiện truyền thống và từng bước xây dựng thương hiệu thời trang Việt Phục hiện đại để “Đắp Việt” vươn xa hơn trong cộng đồng người yêu văn hóa Việt.

 


Thông tin liên hệ:
Fanpage: Đồng Quan Trạm
Email: [email protected]
Số điện thoại: 0886533850 – Phạm Thị Hồng Hạnh

SINH VIÊN FPT – BỘ MÔN KHỞI NGHIỆP