CỰU SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT KỂ TRẢI NGHIỆM LÀM VIỆC TẠI CÁC ÔNG LỚN MỸ

Tô Việt Anh cho biết làm việc tại các công ty công nghệ quy mô toàn cầu yêu cầu cao về tốc độ và sự nghiêm túc nhưng luôn có cơ hội để những nhân sự trẻ làm quen.

“Khi bắt đầu tìm cơ hội làm việc tại Mỹ, tôi từng bị nhiều công ty từ chối phỏng vấn vì không có kinh nghiệm”, Việt Anh chia sẻ. May mắn, anh biết tới cơ hội phỏng vấn tuyển dụng vào Amazon. Vượt qua vòng tuyển dụng với câu hỏi thuật toán, anh trở thành nhân viên chính thức trong nhóm Video Playback thuộc Amazon Instant Video – nay đổi tên là Prime Video với công việc chính là làm ra video player cho live streaming.

Tốt nghiệp ĐH FPT, Việt Anh tìm cơ hội làm việc thành công tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 5 năm làm việc tại Amazon, Việt Anh chuyển sang Facebook và vẫn gắn bó với mảng video trong nhóm Video Infrastructure. Từ một tân cử nhân đại học, lần lượt chinh phục vòng tuyển dụng của các “ông lớn” công nghệ, Việt Anh đúc rút được một vài kinh nghiệm riêng.

Theo anh, sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thường khó khăn để tìm được cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp lớn ở Mỹ. “Các bạn nên ‘rải’ hồ sơ nhiều, nhờ các anh chị đi trước hỗ trợ góp ý về CV hoặc viết mail giới thiệu để tăng tỷ lệ được gọi đi phỏng vấn”, anh cho hay.

Cựu sinh viên ĐH FPT cũng tiết lộ, vòng phỏng vấn của các công ty công nghệ Mỹ nặng về thuật toán. Để vượt qua các câu hỏi này, ứng viên cần chăm chỉ luyện tập, học hỏi. “Tôi hay luyện tập ở trang web Leetcode”, Việt Anh chia sẻ. Ngoài ra, tìm hiểu kỹ để hiểu tiêu chí đánh giá, chấm điểm của từng công ty cũng là bí quyết để vượt qua vòng phỏng vấn.

“Facebook chấm điểm theo 4 tiêu chí, problem solving, coding, testing, verification. Do đó, nếu nghe đề bài xong bạn code luôn vẫn có thể bị loại vì không thể hiện được kỹ năng problem solving. Bạn nên hỏi thêm về các chi tiết chưa rõ, sau đó thảo luận các cách khác nhau để giải quyết, trước khi bắt đầu viết code”, Việt Anh nói.

Trước đó, Việt Anh từng không dám có “giấc mơ Mỹ” vì chưa tự tin vào kiến thức chuyên môn hay ngoại ngữ. Nhưng trong thời gian học ĐH FPT, tham gia học kỳ nước ngoài tại một trường đại học công nghệ ở Nhật Bản, anh có cơ hội tự học, cải thiện trình độ ngoại ngữ, làm quen với môi trường học tập và làm việc ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam. Từ đó, anh tự tin hơn với ước mơ đi nước ngoài làm việc.

Làm việc tại Amazon 5 năm, Facebook 2 năm, Việt Anh đã có được những thành tựu nhất định. “Ở Amazon, tôi trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực video streaming. Tôi tạo ra dịch vụ streaming với độ trễ thấp, phục vụ số lượng lớn người xem. Sau này, dịch vụ này được tích hợp vào Amazon Web Services”, anh nói.

Việt Anh nhận định có kiến thức cơ bản và khả năng suy nghĩ độc lập, giải quyết vấn đề là điểm cộng cho sinh viên ĐH FPT khi thích ứng với môi trường làm việc mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo cựu sinh viên ĐH FPT, làm việc tại các công ty công nghệ quy mô toàn cầu sẽ mang đến cho mình những trải nghiệm đáng giá và khác biệt. “Điều thú vị nhất tôi được trải nghiệm tại Facebook là làm video services cho một tỷ người, trải đều trên khắp các múi giờ. Cách tôi làm phần mềm sẽ thay đổi rõ ràng khi có một tỷ người sử dụng. Ví dụ như việc tối ưu hoá để tiết kiệm 10 mili giây ít khi là ưu tiên ở vài nghìn người, nhưng sẽ rất có giá trị ở một tỷ người”, Việt Anh chia sẻ.

Giờ đây, khi đang theo đuổi mảng việc yêu thích từ lâu liên quan đến Machine Learning tại Cruise (Mỹ), Việt Anh coi đây là thách thức bởi “chưa một công ty nào có thể giải quyết trọn vẹn bài toán xe tự hành” nhưng đồng thời là động lực để anh “khám phá, có cảm giác mình là người dẫn đầu”.

Trải qua những vị trí và môi trường làm việc khác nhau, Việt Anh nhận thấy, dù cường độ công việc ở những công ty công nghệ hàng đầu thế giới rất tốc độ và nghiêm túc nhưng luôn có cơ hội để những nhân sự trẻ làm quen. Anh có 6 tháng tại Amazon, 3 tháng tại Facebook và thời gian tương tự tại Cruise dù đã là một lập trình viên dày dặn để bắt nhịp với môi trường mới.

“Các kiến thức về nền tảng phần mềm như thuật toán, network, OS rất hữu ích. Có thể không ghi nhớ được tất cả sau khi học nhưng tôi sẽ có căn cứ để tra cứu lại nếu cần”, Việt Anh chia sẻ kinh nghiệm về việc vận dụng kiến thức đã học tại ĐH FPT. Ngoài ra, theo anh, khả năng suy nghĩ độc lập, cách giải quyết vấn đề là những điểm mạnh mà môi trường ĐH FPT tạo cho sinh viên, giúp các bạn thuận lợi khi bắt đầu công việc ở các công ty nước ngoài.

Ngọc Trâm – VNEXPRESS