TRƯỜNG ĐH FPT ĐỒNG HÀNH CÙNG TỈNH TÂY NINH NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ TRONG SỐ HÓA DỮ LIỆU VÀ QUẢN LÝ DI SẢN

Thời gian vừa qua, Trường Đại học FPT và tỉnh Tây Ninh đã tiến hành thảo luận về hợp tác đào tạo cán bộ và phát triển công nghệ quản lý di sản, hướng tới ký kết thỏa thuận chính thức nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

Các đại diện Trường Đại học FPT chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh và Tỉnh Đoàn Tây Ninh

Trường Đại học FPT đã đón tiếp đoàn công tác từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh và Tỉnh Đoàn Tây Ninh tới thăm và làm việc tại Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn công tác là đồng chí Phạm Văn Tín, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh. Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận các kế hoạch hợp tác nhằm đào tạo cán bộ và phát triển các ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Trong thời gian tới, các thỏa thuận chính thức sẽ được ký kết để triển khai những nội dung đã thống nhất.

Hợp tác chiến lược trong đào tạo cán bộ và ứng dụng công nghệ

Tại buổi làm việc, thầy Trần Ngọc Tuấn – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trường Đại học FPT phân hiệu TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh cam kết đồng hành cùng tỉnh Tây Ninh trong việc nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ cán bộ. Trường Đại học FPT sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu để giúp cán bộ Ban Tuyên giáo và Tỉnh Đoàn nắm vững kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Những khóa học này không chỉ giúp cán bộ nâng cao khả năng quản lý và truyền thông trực tuyến mà còn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

TS. Trần Ngọc Tuấn và đồng chí Phạm Văn Tín đã có những trao đổi về việc nâng tầm năng lực cán bộ và quản lý di sản

Phát triển ứng dụng và phần mềm số hóa trong quản lý di sản

Buổi làm việc diễn ra trong không khí cởi mở và hợp tác, hướng tới những mục tiêu chung

Trong khuôn khổ hợp tác, Trường Đại học FPT cũng cam kết hỗ trợ tỉnh Tây Ninh nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ để số hóa dữ liệu và quản lý di sản. Những phần mềm này sẽ tạo ra kho tư liệu điện tử về lịch sử và văn hóa của tỉnh, giúp cán bộ và người dân dễ dàng tra cứu thông tin. Đặc biệt, các giải pháp về quản lý di tích lịch sử và nghĩa trang liệt sĩ sẽ giúp đơn giản hóa quy trình quản lý và truy xuất dữ liệu. Trường Đại học FPT cũng hướng tới việc ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giúp di sản Tây Ninh đến gần hơn với thế hệ trẻ.

Sự hợp tác giữa Trường Đại học FPT và tỉnh Tây Ninh không chỉ góp phần nâng cao năng lực cán bộ địa phương mà còn đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số toàn diện. Các giá trị lịch sử và văn hóa của tỉnh sẽ được bảo tồn và phát triển song hành cùng công nghệ hiện đại, tạo ra nền tảng bền vững cho tương lai.

(Nguồn: https://university.fpt.edu.vn/)